Trong năm 2018 và quý I/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các Chi cục trực thuộc, đặc biệt Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn triển khai áp dụng thực hiện Luật XLVPHC cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu xử lý và những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, ban hành 04 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo áp dụng Luật XLVPHC.
Thanh tra Sở đã phối hợp với Văn phòng Sở biên soạn tài liệu tập huấn chuyên đề về xử phạt vi phạm hành chính áp dụng trong công tác thanh tra ngành Nông nghiệp và PTNT để triển khai trong các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở và các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, tuyên truyền nội dung áp dụng Luật XLVPHC cho toàn thể các đơn vị trực thuộc Sở, đặc biệt là đối với các Chi cục có chức năng thanh tra chuyên ngành, thông qua các lớp tập huấn đã trang bị một số kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và giải đáp những vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Thông qua các cuộc thanh tra hành chính tại các Chi cục trực thuộc Sở, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã trực tiếp kiểm tra công tác thanh tra chuyên ngành trong đó có nội dung về công tác áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp để nhằm đảm bảo thực thi đúng pháp luật đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời xử lý đúng đối tượng và các hành vi vi phạm hành chính được phát hiện.
Hàng năm Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản để kịp thời cập nhật, hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc.
Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức 02 lớp tập huấn cho hơn 40 công chức trong lực lượng Kiểm lâm, nhằm nâng cao năng lực về nghiệp vụ lập hồ sơ ban đầu, phương pháp xử lý các tình huống trong thực thi pháp luật lâm nghiệp. Cử cán bộ tham gia tập huấn chuyên sâu trong công tác xử lý vi phạm hành chính do Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức.
Tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP và Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Chủ động xây dựng phần mềm “Quản lý các vụ vi phạm” được tích hợp trên trang thông tin điện tử của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế và đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc áp dụng thực hiện việc cập nhật, theo dõi tình hình vi phạm pháp luật trên phần mềm.
Năm 2018, đã xử lý 532 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu nhập kho nhà nước 564 m3 gỗ các loại; thả lại rừng 38 cá thể động vật rừng; Tiêu hủy 47 kg sản phẩm động vật rừng; tịch thu 02 xe ô tô.Thu nộp ngân sách 4.362.417.000 đồng.
Quý I/2019 đã xử lý 115 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 164 m3 gỗ các loại và 08 xe ô tô. Thu nộp ngân sách 545.877.000 đồng.
Ngoài ra đã khởi tố 03 vụ án hình sự đối với 05 bị can về tội “Hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ Luật Hình sự xảy ra trên địa bàn huyện A Lưới và Phú Lộc.
Lực lượng Kiểm lâm phát hiện và xử lý vi phạm về vận chuyển lâm sản trái phép
Trong năm 2018 và quý I/2019, Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn đối với các đơn vị trực thuộc có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nên hầu hết các vụ việc vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng cơ bản đã được phát hiện kịp thời và xử lý đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính. Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện đảm bảo theo đúng các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời gian đến để tạo ra sự chuyển biến tích cực việc thực hiện Luật XLVPHC trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền, quán triệt chỉ đạo, tăng cường năng lực xử lý vi phạm hành chính, để tiến đến chấm dứt triệt để các hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, tạo tiền đề thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020./.