Các bệnh thường gặp ở gà không thể không kể đến bệnh ILT. Bệnh ILT trên gà là một trong các bệnh hô hấp trên gà có mức độ truyền nhiễm nhanh trong đàn nếu không kịp thời kiểm soát. Không chỉ ở gà mà tất cả các loại gia cầm đều có thể nhiễm bệnh. Để có hướng điều trị thích hợp cho căn bệnh này, mời bà con theo dõi bài viết dưới đây.
Bệnh ILT là gì ?
Bệnh ILT còn được gọi là bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm xảy ra ở gia cầm. Bệnh do một loại virus có tên là Herpes gây ra. Theo nghiên cứu thì căn bệnh này không lây sang người và các động vật có vú.
Bệnh ILT trên gà có thể xuất hiện quanh năm, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ bùng phát. Bệnh dễ lây lan qua đường không khí, sự tiếp xúc giữa con bệnh và con khỏe.
Triệu chứng bệnh ILT trên gà
Các biểu hiện thường thấy của bệnh ILT là gà há miệng thở, thở khó khăn, gà bị chảy nước mắt,… Có 5 trường hợp mắc bệnh.
Cấp tính
- Thấy gà chết đôt ngột, không có biểu hiện rõ ràng.
- Gà ngạt thở, thở khó nhọc, rướn cổ thở, gà xù lông, bỏ ăn, lười vận động.
- Cuối mỗi lần nghẹt là hiện tượng lắc đầu để nhổ đờm ra, trong đờm có thể lẫn máu.
- Da của gà có màu tím tái, hiện tượng viêm mũi viêm mắt, chảy nước mũi ở gà xuất hiện.
- Lúc này tỷ lệ chết rất cao, từ 50 – 70%.
Á cấp tính
Gà chảy mũi, nước mắt, bị sưng mặt giống với bệnh sổ mũi truyền nhiễm Coryza. Gà ho thành từng đợt, không tăng trọng, không ăn uống.
Lúc này chỉ khoảng 20 – 30% bị chết, bệnh kéo dài từ 14 – 21 ngày sau đó chuyển qua dạng mãn tính.
Thể mãn tính
Biểu hiện nghẹt thở, ho khẹc không còn xuất hiện nhiều, chỉ thỉnh thoảng. Năng suất trứng giảm nhẹ và kéo dài.
Tỷ lệ sống tăng thêm 5%, bệnh không dứt liền mà có thể kéo dài đến 60 ngày.
Thể mắt
- Bệnh ILT trên gà biểu hiện ở mắt thường xảy ra trong 20 – 30 ngày.
- Một trong hai con mắt của gà bị viêm, có thể bị mù mắt. Gà lúc này sẽ sợ sáng, chúng hay tìm những nơi ít sáng để đứng.
- Đầu của gà sưng phù ở 1 hoặc cả 2 bên.
Thể ẩn bệnh: Rất khó nhận biết được gà đã mắc bệnh hay chưa do lúc này không có nhiều dấu hiệu để xem xét.
Bệnh tích bệnh ILT trên gà
Mổ khám gà ở thể cấp tính và á cấp tính:
- Bệnh tấn công chủ yếu vào hệ hô hấp, cho nên cơ quan thanh khí quản chịu tác động nặng nề nhất.
- Thanh quản bị viêm, xuất huyết, phần trong ống thanh quản có dịch nhầy, có thể lẫn cả cục máu.
- Xoang, mũi bị viêm, có một lớp màng trắng nhầy nhụa bao phủ. Mắt viêm, mặt sưng.
- Quan sát thấy túi Fabicus bị sưng, bên trong chứa máu.
- Phao câu có dấu hiệu đỏ, phần niêm mạc ở hậu môn bị sưng và rất dễ nhầm lẫn với căn bệnh Newcastle. Tuy nhiên bệnh ILT không bị xuất huyết ở ruột non, dạ dày, manh tràng,…
Ở thể mãn tính:
Ở thanh quản, khí quản, họng xuất hiện lớp màng mỏng màu trắng. Giống với bệnh nấm đường tiêu hóa hoặc thiếu vitamin.
Cách điều trị bệnh ILT trên gà
Khi phát hiện trong trang trại có dấu hiệu của bệnh ILT trên gà, đừng chậm trễ mà hãy tiến hành cách ly ngay những con bệnh, tránh xa khu vực nuôi càng tốt.
Bệnh do virus Herpes gây ra và hiện tại chưa có kháng sinh đặc trị. Chúng ta chỉ có thể dùng vacxin ILT, kết hợp với thuốc tăng sức đề kháng cho gà.
Trước khi tiêm vacxin, phải đảm bảo tình trạng nhiễm bệnh không quá tồi tệ. Tức là đàn mới bị nhiễm thì phương pháp này mới hiệu quả.
Nếu gà đã bị nặng, sức khỏe kém cần loại bỏ đờm bằng các loại thuốc như: Bromhexin, Prednisolone, Anagin C…
Đồng thời tăng sức đề kháng cho gà sau đó mới bắt đầu dùng vacxin. Tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh, tăng cường thêm thuốc bổ trợ cho sức khỏe của gà: vitamin, điện giải, khoáng chất….
Đối với những con gà đã quá nặng khó cứu chữa thì nên loại bỏ. Kết hợp dùng thuốc để phòng bệnh kế phát như: Bio-TYLODOX PLUS, DOXAN 50,…
Phòng bệnh ILT trên gà
Mặc dù bệnh ILT không gây chết cao nhưng do căn bênh này chưa có thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu nên bà con cần nghiêm túc thực hiện việc phòng bệnh:
- Dùng vacxin medivac ILT chủng ngừa cho gà lúc 2 – 3 tuần tuổi, chủng tái lại vào lúc 16 – 17 tuần tuổi. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chú ý khong chủng cho gà bẹnh, gà yếu.
- Quét dọn chuồng trại sạch sẽ, khử trùng định kì. Dụng cụ ăn uống cũng phải được rửa sạch thường xuyên.
- Đảm bảo quy tắc cùng vào cùng ra, nuôi lứa nào ra lứa đó, không nuôi hỗn hợp nhiều lứa cùng nhau.
- Cho gà dùng các loại thuốc bổ trợ nhằm tăng sức đề kháng cho gà.
- Mật độ nuôi nhốt không được quá chật để giảm tình trạng gà bị stress. Hạn chế ra vào khu chăn nuôi.
- Sử dụng nguồn thức ăn nước uống sạch sẽ. Có thể trang bị tại khu chăn nuôi máy làm thức ăn để đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín.
- Đến những cơ sở uy tín để mua con giống, không chọn những mặt hàng trôi nổi, kém chất lượng đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, hạn chế tình trạng nhiễm bệnh.
Cách điều trị bệnh ILT trên gà khá phức tạp do chưa có thuốc đặc trị loại virus này. Bà con cần phát hiện sớm căn bệnh để tránh tình trạng đàn gà nhiễm bệnh nặng và bùng phát căn bệnh kế tiếp, lúc này sẽ khó kiểm soát tình hình hơn. Hy vọng bà con chăn nuôi đã có thêm ít kiến thức về căn bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm và có riêng cho mình kinh nghiệm để phòng trị. Chúc bà con thành công!